Chia sẻ đam mê và kiến thức

Header Ads

test

Breaking

Monday, October 16, 2017

Xuất khẩu cá cảnh: Ngành kinh doanh triệu đô

Năm 2015, TP.HCM đã xuất khẩu 12 triệu con cá cảnh, đạt kim ngạch 11 triệu USD, tăng 9,9% về số lượng và 12% về kim ngạch so với năm 2014.

Thú nuôi cá cảnh giảm mạnh từ năm 1975 và chỉ thực sự hồi sinh sau khi giống cá La Hán được nhập khẩu vào Việt Nam và tạo nên một cơn sốt tại TP.HCM.

Là khu vực phát triển ngành cá cảnh mạnh nhất cả nước khi chiếm hơn 90% tổng sản lượng, TP.HCM đặt mục tiêu xuất khẩu cá cảnh lên 50 triệu USD vào năm 2020 và đã có chủ trương xây một trung tâm nhân giống cá cảnh hơn 20 ha tại huyện Củ Chi nhằm đưa hoạt động nuôi và kinh doanh cá cảnh chuyên nghiệp hơn. Trước đó, cá cảnh là một trong những đối tượng được ưu tiên phát triển trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, năm 2015, TP.HCM đã xuất khẩu 12 triệu con cá cảnh, đạt kim ngạch 11 triệu USD, tăng lần lượt 9,9% về số lượng và 12% về kim ngạch so với năm 2014. Trong giai đoạn 2011-2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng bình quân 8,6%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 6,6%/năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, châu Âu, châu Á với các loài cá chủ lực như neon, cá đĩa, trân châu, bảy màu, nóc beo...

“Tuy nhiên, đối với một nước có lợi thế về khí hậu nhiệt đới và nguồn lợi thủy sinh như Việt Nam, con số này còn lép vế khi so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia với kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 50 triệu USD, Singapore đạt 300 triệu USD”, ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, cho biết.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc (FAO), ngành công nghiệp nuôi cá cảnh trị giá hàng tỉ đô và có tốc độ tăng trưởng 15%/năm trên toàn cầu. Trước thị trường khổng lồ này, doanh nghiệp nuôi cá cảnh Việt Nam lại gặp nhiều trở ngại.

Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh là rào cản kỹ thuật. Ví dụ, muốn xuất khẩu được cá Koi vào thị trường Mỹ phải có được chứng chỉ an ninh sinh học. Để được vậy, cá bố mẹ phải được kiểm soát trong 2 năm liền, cá xuất khẩu phải đảm bảo an toàn, không bệnh, điều kiện nuôi thả được các tổ chức quốc tế giám định thường xuyên... Từ lúc triển khai vùng an ninh sinh học đến khi được công nhận khoảng 4 năm. Ít có nhà nhập khẩu nào có thể chờ đợi được thời gian dài như vậy. 

Bên cạnh đó, xúc tiến thương mại chưa hiệu quả cũng làm cho nhiều doanh nghiệp dù có sẵn nguồn hàng cũng không biết xuất đi đâu. Theo ông Tống Hữu Châu, chủ trại cá Châu Tống, TP.HCM, khách hàng chủ yếu của ông là những bạn hàng Việt kiều lâu năm hoặc khách hàng tình cờ kết nối được.

Ngoài ra, một loạt khó khăn khác cũng cản đường ngành nuôi cá cảnh Việt Nam phát triển. Chẳng hạn, do khó khăn về nhập khẩu con giống tốt qua đường chính ngạch mà nhiều giống cá cảnh được sản xuất ở Việt Nam đang bị thoái hóa nên mất dần khách hàng nước ngoài... Mặt khác, đa số doanh nghiệp nuôi cá cảnh tại Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa tiếp cận nhiều với khoa học mới về lai tạo cá cảnh, thuần dưỡng, sinh sản tự nhiên.

Là một trong những doanh nghiệp may mắn có được thị trường ổn định ở Cộng hòa Séc và các nước châu Âu, Công ty Sài Gòn Cá Kiểng là đơn vị khá thành công trong xuất khẩu cá cảnh tại TP.HCM. Bình quân hằng tháng, Công ty xuất khẩu từ 50-55 lô cá, đem về doanh thu hơn 2 triệu USD trong năm 2015. Theo một chuyên gia trong ngành cá cảnh, tùy vào hình thức đầu tư mà lợi nhuận đem về có sự khác biệt. Với các trại lai tạo, nuôi cá giống, lợi nhuận trên doanh thu đem về có thể đạt 20% hoặc hơn nếu tay nghề cao. Còn với những đơn vị thu mua cá cảnh rồi điều phối ra thị trường, lợi nhuận nằm trong khoảng 7-10% nếu kinh doanh hiệu quả.

Có thể thấy, dù có nhiều tiềm năng nhưng ngành nuôi cá cảnh Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm trước khi “bơi ra bể lớn”.

Hoàng Lan