Chia sẻ đam mê và kiến thức

Header Ads

test

Breaking

Sunday, May 8, 2016

Tự xây dựng phòng nuôi cá - Phần I

Frank Panis - http://malawicichlidhomepage.com

Tại sao lại cần phải có phòng nuôi cá? sớm hay muộn rồi mỗi người nuôi cichlid sẽ phải đối mặt với nhu cầu sử dụng những hồ đặc biệt. Việc sử dụng một hay nhiều hồ như vậy thực sự không xa xỉ và hầu như là điều bắt buộc đối với người nuôi cá có trình độ và đam mê.

Bệnh cá và chữa trị: để hạn chế rủi ro, cá mới mua nên đem nuôi trong hồ cách ly vài tuần (hồ cách ly: hồ đặt ở vị trí yên tĩnh với dung tích cụ thể – yếu tố rất quan trọng để điều chế liều lượng thuốc – và không trang trí để tiện làm vệ sinh). Cá bệnh và cá bị thương nên được nuôi trong các hồ như vậy, nơi đó chúng có thể được điều trị hay phục hồi chấn thương một cách hoàn toàn mà không làm lây nhiễm sang các cá khác. Một điều thuận lợi khác của hồ cách ly là nó có thể được đậy kín để tránh làm suy giảm tác dụng của một loại thuốc điều trị nhất định nào đó.

Lai tạo: khi cá của bạn đẻ và bạn chắc chắn muốn nuôi cá con (để thay thế cá bố mẹ khi chúng bị già, bị đem tặng hay bị bán đi cho người khác); sử dụng một lồng nổi đặt trong hồ chính hay một tấm lưới lớn sẽ không giải quyết được vấn đề. Cá cichlid non cần được nuôi trong hồ riêng biệt để đảm bảo chúng phát triển nhanh chóng và đều đặn.

A. Vị trí
Một hay nhiều hồ nhỏ đặt cùng phòng với hồ chính là điều rất tốt nhưng có thể không thích hợp với những người sống chung nhà vì chúng trông có vẻ thực sự lộn xộn nếu bạn không khéo sắp xếp. Nếu bạn muốn trở thành nhà lai tạo bán chuyên nghiệp bạn sẽ cần đến khoảng 10 hồ với các kích cỡ khác nhau. Giải pháp thực sự là ngăn phòng hay một góc của ga-ra, kho chứa nơi đặt các vật dụng không dùng đến. Điều bạn cần là dũng khí để vứt đi các vật dụng choán chỗ và không cần đến nữa. Nếu bạn có nhiều lựa chọn, bạn cần xác định đâu là địa điểm thích hợp nhất dựa vào chi phí, mức độ thuận tiện và tầm quan trọng của chúng đối với người nuôi cá.
[​IMG]

B. Tiện nghi
1. Các loại kệ đỡ
Chúng ta nhất định phải quan tâm đến kệ đỡ nơi hồ được đặt lên bởi vì hai lý do: tính an toàn và dễ sử dụng. Các chất liệu tốt nhất dùng để làm kệ là gỗ, sắt và nhôm.

Kệ gỗ rất dễ đóng và trông rất đẹp, nhưng cần được xử lý đặc biệt với nhiều lớp gỗ bảo vệ và vec-ni chống thấm để có thể sử dụng được lâu dài trong môi trường ẩm ướt. Điểm thuận lợi của loại vật liệu này là chúng khá rẻ, đặc biệt là khi bạn tự làm lấy. Với một vài dụng cụ như khoan điện, bàn kê, ốc vít chất lượng tốt, keo dán gỗ và một số kỹ năng, bạn có thể lắp đặt một cách dễ dàng. Đảm bảo dùng các thanh gỗ đủ dày để chịu được sức nặng của hồ. Cân nhắc không gian để đặt hồ khi dùng kệ gỗ có so sánh với kệ nhôm và sắt. Dĩ nhiên giá của kệ gỗ tuỳ thuộc vào loại gỗ mà bạn dùng. Gỗ thông là rẻ nhất, nhưng nếu bạn muốn dùng các loại gỗ có chất lượng cao hơn như sồi (beech, oak) hay dẻ (chestnut) bạn sẽ phải tốn nhiều tiền. Bởi vì những người chơi cá chúng ta thường có hiểu biết về vấn đề cân bằng sinh thái do vậy chúng ta nhất định không nên sử dụng các loại gỗ cây có xuất xứ từ miền nhiệt đới. Điều chúng ta phải làm là đo đạc gỗ một cách chính xác, đem đến tiệm xẻ gỗ và cắt chúng thành từng thanh dùng để đóng kệ.

Sắt tuy rẻ nhưng phải nhờ đến một thợ hàn chuyên nghiệp dựng kệ. Vài người có bộ dụng cụ chuyên nghiệp tại nhà nhưng tôi không nghĩ họ có thể tự hàn một giá đỡ an toàn với các mối nối chắc chắn. Bạn hãy thử tưởng tượng một giá đỡ đầy hồ bị gãy đổ khi bạn không có nhà? Một điểm bất lợi nữa của loại vật liệu này là nó rất dễ bị gỉ sét, đặc biệt là trong môi trường ẩm ướt. Bắt buộc phải sơn nhiều lớp sơn chất lượng cao (vài loại có thể sơn trực tiếp lên sắt và thậm chí lên phần bị gỉ) và phải sơn lại hàng năm. Cũng nên dùng “lớp sơn bảo vệ” cho toàn bộ khung. Trong công đoạn này, sơn được xịt lên như là lớp bột mịn chứ không phải là chất lỏng. Sau khi phủ sơn, dùng đầu sấy để làm cứng bề mặt. Cũng có thể dùng kỹ thuật mạ điện. Miếng plastic đệm chân kệ để chống gỉ sét là thành phần không thể thiếu trong mọi kệ đỡ kim loại.

Nhôm là chất liệu hoàn hảo để làm kệ. Nó nhẹ và không gỉ, và nếu bạn thêm vào lớp phủ tĩnh điện rồi bạn sẽ không còn phải lo lắng gì nữa. Bạn cũng có thể sơn bất kỳ màu gì phù hợp với phòng nuôi của bạn. Nhôm rất đắt so với gỗ và sắt hay sắt mạ (electroplated iron). Việc dựng kệ phải nhờ đến thợ chuyên nghiệp nên tiền công sẽ cao mặc dù đồ nghề để làm cũng dễ sử dụng và không đắt lắm. Bạn chỉ cần đinh tán (rivet) và máy tán (clinch tool). Phải dùng kỹ thuật đặc biệt để hàn các thanh nhôm lại với nhau. Thợ giỏi sử dụng vụn nhôm để hàn để mối nối được liền lạc với khung nhôm; do đó khi đóng đinh tán sẽ không làm nó bị xục xịch, và cũng làm tăng gấp đôi độ dày và tuổi thọ của khung. Tuy nhiên, các mối hàn không phải là điều bắt buộc.

2. Hồ
Bạn có thể chọn giữa hồ kiếng và hồ nhựa acrylic (hay mi-ca). Tuy nhựa acrylic trong suốt hơn kiếng nhưng nên tránh sử dụng vì đắt tiền, dễ bị trầy, dễ bị rêu bám và màu sắc bị ố vàng khi hồ cũ đi hay khi bị ngâm trong nước thuốc. Điểm thuận lợi của loại hồ này là nó nhẹ và dễ khoan lỗ. Mặc dù vậy độ dày của tấm acrylic cũng phải tăng lên theo tỷ lệ tăng của kích thước hồ và lỗ cũng phải được khoan sẵn từ trước. Việc làm hồ acrylic đòi hỏi cần phải có kỹ năng và vài loại dung môi (solvent) đặc biệt, cho nên hãy để cho thợ chuyên nghiệp làm thì tốt hơn.

Kiếng tuy nặng hơn acrylic nhưng lại được ưa chuộng hơn nhiều vì nó rẻ và bạn có thể tự làm lấy dễ dàng. Bạn phải sử dụng tấm kiếng dày hơn so với nhựa acrylic để làm hồ có cùng kích thước. Bạn cũng cần phải có loại keo silicon chất lượng tốt (Den Braven, Bayern, General Electrics…), súng bắn keo, cuộn giấy vệ sinh, lưỡi lam, băng keo, thước đo, cồn hay acetone để làm bong keo dán và một ít giấy nhám để mài tù các cạnh sắc vì chúng có thể làm bạn bị thương nặng. Nhớ kiểm tra các thông số kích thước thật kỹ để tránh cắt kiếng hồ quá dài hay quá ngắn và khoan lỗ sẵn trước khi dán kiếng.

Sau khi chùi sạch kiếng bằng cồn, acetone hay giấy vệ sinh, bạn dán tấm kiếng đáy lên một tấm mút xốp. Nên sử dụng loại mút xốp càng đặc càng tốt. Rồi bạn dán tấm kiếng lưng và kế đó là tấm kiếng hông lên trên tấm kiếng đáy. Sau đó là tấm kiếng hông bên kia và cuối cùng là tấm kiếng mặt. Nên nhớ rằng keo silicon, khi còn ướt, dính vào mọi thứ nên rất nhớp nháp. Sau khi các tấm kiếng đã được dán keo silicon, dùng băng keo dán chúng lại với nhau để giữ chúng được cố định. Một ít keo silicon sẽ bị xùi ra khi các tấm kiếng hơi bị ép lại. Dùng ngón tay ướt miết phần keo silicon xùi ra này vào các góc phía bên trong hồ. Nhớ dùng một ngón tay thôi để lượng keo miết vào các góc được đều. Điều này làm tăng độ vững chắc của hồ. Phần xùi ra phía bên ngoài hồ được để cho khô rồi sau đó được cắt đi bằng dao lam vào ngày hôm sau. Kế tiếp, dán các thanh kiếng ngang và dọc để làm tăng độ vững chắc cho thành hồ. Quá trình xử lý keo sillicon xùi ra được lập lại giống như trên sau đó một ngày.

3. Bộ lọc
[​IMG]
Sơ đồ đi thiết kế hồ 1300 lít. [1] ống nước nối dưới đáy hồ. Lỗ được khoan trên mặt kính đáy trước khi ráp hồ. Van được lắp đặt khi gắn ống nước trong ngăn thứ ba. [2] Ống nước sẽ xả hết nước trong hồ sau 30 phút. [3] Máy bơm công suất 3500 l/h gắn ở ngăn thứ tư và là ngăn lọc cuối cùng. Nhắc lại, lỗ phải được khoan trên tấm kiếng ngăn trước khi gắn vào hồ. [4] Máy bơm 2500 l/h. Đầu ra của máy bơm được gắn trên thành hồ và dòng nước đẩy ra song song với mặt nước hồ. [5] Một máy bơm khác công suất 3500 l/h chỉ vận hành vào mùa hè để tạo sóng bề mặt và tăng cường trao đổi khí. [6], [7] Bọt biển tự chế dùng như bộ sơ lọc cho đầu sục khí của hai máy bơm nước.

Có nhiều kỹ thuật khác nhau được ứng dụng cho việc vận hành hàng loạt hồ nhỏ trong phòng nuôi cá. Hệ thống lọc trung tâm chỉ có một lợi điểm nhỏ là tiết kiệm điện và hoàn toàn nên tránh vì mầm bệnh có thể lan truyền một cách nhanh chóng và khốc liệt trong bầy cá cichlid được sưu tầm và tuyển chọn kỹ lưỡng của bạn như là một hệ quả tất yếu. Chúng tôi đề nghị:

Máy lọc khí (còn gọi là lọc sinh học) rất tiết kiệm vì chỉ cần một máy bơm trung tâm để phục vụ cho các đầu lọc hút (airlift) ở mỗi hồ. Nên mua máy bơm có chất lượng tốt vì tất cả các hồ đều phụ thuộc vào nó để lọc nước. Tuỳ nhu cầu sử dụng, những đầu lọc hút này có thể được điều chỉnh để hút yếu đi.

Máy bơm dùng riêng cho mỗi hồ là giải pháp tốn kém nhưng cũng tốt nhất. Một máy bơm bị hỏng cũng không làm ảnh hưởng đến các hồ khác, vì vậy thiệt hại chỉ giới hạn trong một hồ duy nhất nếu thật sự có trục trặc xảy ra. Những máy bơm loại này có thể hút một lượng nước tương đối mà không tiêu thụ quá nhiều điện năng. Hầu hết máy bơm cỡ trung có công suất từ 5 đến 20W. Đừng tiết kiệm tiền mua các máy bơm loại này vì nó đem lại độ tin cậy. Bộ phận điều khiển dòng, nếu có, là phần nâng cấp vì nó cho phép bạn điều khiển dòng hút vào. Hầu hết máy bơm được gắn sẵn bên trong khung lọc 3 ngăn bằng kiếng; theo đó ngăn đầu dẫn nước vào và có gắn đầu nhiệt; ngăn thứ hai chứa các vật liệu lọc cơ học và hoá học, trong khi ngăn cuối cùng để đặt máy bơm. Việc lựa chọn vật liệu lọc không khác nhiều so với hồ thông thường và không theo chuẩn mực nào, chừng nào mà nó còn đảm bảo nhu cầu lọc cơ học và hoá học tối thiểu. Tính dễ bảo hành là một lợi điểm. Sử dụng bọt biển để sơ lọc cũng rất hữu ích vì nó rất dễ giặt.

Một ứng dụng nữa có thể được áp dụng là khoan một lỗ bên trong một trong số ba ngăn lọc ở mỗi hồ (tốt nhất là ngăn đặt máy bơm). Lỗ này có đường kính khoảng 2,7 - 2,8 cm để lắp đầu nối ống xả ½’’. Với một bộ phận khoá lắp đằng sau đầu nối, chúng ta có thể xả nước hồ một cách dễ dàng, nhanh chóng, tránh làm phòng nuôi bị tràn nước và lộn xộn.
[​IMG]
[1] Bọt biển và đầu nhiệt [2] Màng lọc (floss) [3] Bi lọc [4] Máy bơm. Các ngăn lọc được thiết kế bên trong hồ cá. Chúng nằm ở cuối hồ và có tổng dung tích 138 lít. Có tổng cộng 4 ngăn dùng kiếng 8 mm (xem hình overview). Ngăn đầu tiên chứa đầu nhiệt. Nước vào ngăn phải đi qua lớp bọt biển gắn ở cửa vào (inlet) là vì vậy rác có kích cỡ lớn sẽ bị bẫy ở đó (hình 3-D view mô tả dòng nước đi qua từng ngăn). Ngăn này nối với ngăn thứ hai qua cửa vào là khung nhựa có khe nhỏ. Ngăn thứ hai là các tấm lọc (hiệu Hagen) và một túi than hoạt tính (được cột túm trong vớ). Ngăn này nối với ngăn thứ ba cũng qua cửa vào tương tự. Các cửa vào giữa các ngăn lọc được gắn so le với nhau (xem hình) do đó, dòng nước được lái cho đi qua toàn bộ vật liệu lọc. Ngăn thứ ba có chứa các viên bi lọc có chứa vi khuẩn phân huỷ ni-tơ và nó là ngăn lọc lớn nhất. Một lỗ thoát có gắn van được khoan dưới đáy cho phép thoát nước thật nhanh qua khi thay nước hồ (400 lít mỗi tuần). Ngăn cuối cùng chứa hai máy bơm (tổng công suất 4.600 l/h). Mặt kiếng trước của ngăn này được khoan hai lỗ, qua đó nước sạch quay trở lại hồ. 

Dòng nước bị giảm tốc độ khi nó di chuyển một khoảng cách 2.55 m đến phần đối diện của hồ. Thực tế nước không chuyển động ở khoảng cách 2 m kể từ đầu ra của máy bơm. Để tăng lực cho dòng nước và giúp nước quay trở về đầu vào của ngăn lọc, sáu bộ lọc khí được bố trí ở mặt đối diện của hồ (tổng cộng 5.400 l/h). Chúng cũng là các bộ lọc cơ học, hoá học và sinh học nhưng là sơ lọc. Mỗi bộ lọc đều có ngăn chứa than hoạt tính bên trong. Điểm thuận lợi của cấu trúc này là 1) việc thay nước được thực hiện thông qua ngăn lọc 2) có thể xả đến 600 lít nước ra khỏi hồ một khi cần phải chữa trị cho cá (tiết kiệm được rất nhiều thứ) và 3) thay đổi vật liệu lọc dễ dàng mà không phải ngừng hay lấy ra bất cứ bộ phận nào.

[​IMG]
Ngăn lọc nhìn từ phía trên. Ngăn thứ tư và cửa vào bằng nhựa. Những quả cầu màu xanh hãy còn ló một phần qua khỏi mặt nước. Hình được chụp khi nước đang được châm vào hồ lần đầu tiên.

[​IMG]
Đây là loại đầu nối mà tôi sử dụng. Chúng được chế tạo đặc biệt để sử dụng cho hồ cá bao gồm co (elbow), ốc (flange) và vòng đệm (grate). Sau này tôi phát hiện ra loại đầu nối dành cho tàu thuyền cũng có thể sử dụng được mà giá lại rẻ hơn gấp 10 lần.

Bộ lọc chìm (internal power filter) có thể dùng được nhưng hơi đắt, nhất là khi phải mua khung lọc (cartridge) từ nhà sản xuất. Chúng ta cũng phải mua mới một khi chúng bị hư, nhất là với những loại nhỏ và rẻ tiền.

Vật liệu lọc cơ học và hoá học mà chúng ta sử dụng là các loại có bán sẵn ngoài thị trường (chẳng hạn mùn cưa, than hoạt tính, than bùn…). Với vật liệu lọc sinh học, chúng ta có thể dùng loại bi nhựa (bio- hay bactoball) và các ống gốm hình trụ được sản xuất riêng cho hồ cá, kích thước nhỏ tương đương các viên thức ăn tổng hợp và không chứa hoá chất độc hại (chẳng hạn cổ chai nước khoáng, ống nhựa uốn tóc, đá bọt-holystone hay vật liệu mao dẫn…để chúng trong một hồ cá đang hoạt động xem chúng có trở nên nhơn nhớt = bằng chứng vi khuẩn đang phát triển).

4. Lắp đặt thiết bị điện và vấn đề an toàn
Vì sự an toàn của chính mình, chúng ta phải hết sức để ý đến vấn đề lắp đặt thiết bị điện. Nên tránh để ổ cắm điện bị nước văng vào bằng cách dán tấm bảo vệ bằng gỗ hay nhựa xung quanh nó hay sử dụng loại chống thấm (watertight socket). Trét keo silicon nơi dây dẫn đi vào ổ cắm điện. Lắp đặt CB riêng cho tất cả các thiết bị điện như đầu nhiệt và máy bơm để có thể bật tắt chúng độc lập, điều rất hữu dụng khi thay nước: vẫn để đèn sáng nhưng không sợ bị điện giật vì tất cả các thiết bị khác đều bị tắt. Cần dùng cầu chì nhạy VÀ cả CB chống giật (earth leakage circuit breaker- ELCB). Ngay cả với một hệ thống đã nối đất thích hợp, một lỗi nhỏ trong mạch điện có thể gây ra điện giật nghiêm trọng cho người sử dụng trong môi trường ẩm ướt hay gần chỗ có nước. Vì lý do này, nên dùng một GFCI (ground fault circuit interupter) nối với nguồn cấp điện cho hồ cá và tất cả các vị trí khác trong nhà kế cận với hồ cá. GFCI cảm nhận được dòng điện qua một mạch điện. Nếu dòng điện qua dây nóng tăng cao hơn so với dòng điện qua dây nguội, có nghĩa là có rò rỉ điện. Hầu hết GFCI loại nhạy có thể cảm nhận được dòng rò cỡ 0.005 amp, và sẽ ngắt mạch trong khoảng 1/40 s, đủ nhanh để chống điện giật.
[​IMG]
Nếu bạn gắn GFCI thì nên kiểm tra chúng mỗi tháng. Khi bạn nhấn nút test, nút reset sẽ nhảy và ngắt mạch. Nếu không, nó đã bị hư. Nếu bạn không kiểm tra hàng tháng, CB có khả năng bị dính và không bảo vệ bạn chống bị điện giật. Để có thêm thông tin, hãy hỏi ở tiệm điện gần nhà bạn. Đây là model 220 V dùng ở châu Âu ngắt dòng 0.03 amp. Nó nên được gắn ở MỖi hồ cá!

5. Chiếu sáng
Một đèn ống huỳnh quang loại thường hay nhỏ là đủ với phòng nuôi cá vì nó tiết kiệm và không chiếm quá nhiều không gian. Mỗi hồ một đèn là quá tốt còn nếu sử dụng nhiều hơn chỉ tổ tốn tiền điện. Nên sử dụng loại ổ cắm chống thấm (xem phần an toàn ở trên) và bố trí tất cả ba-lat, con chuột lên tường cách xa khung sắt và môi trường ẩm ướt. Bạn nên có một tủ gỗ đặt nơi cao ráo và thoáng khí để chứa tất cả phụ tùng điện cần thiết. Sử dụng một bộ định thời chính cho tất cả các đèn (có thể dùng ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa sổ hay kính chớp để tiết kiệm điện vì nó miễn phí nhưng không thích hợp với những người phải đi làm việc vào ban ngày!); để đèn được bật tắt tự động hàng ngày (bố trí bộ định thời trong tủ để dễ điều chỉnh).
[​IMG]
Loại đuôi đèn huỳnh quang khống thấm nước dùng cho hồ cá. 

6. Cách điện và sưởi ấm
Sưởi ấm hồ cá bằng cách lắp đặt đầu nhiệt riêng biệt cho mỗi hồ. Điều này cho phép chúng ta điều chỉnh nhiệt độ độc lập trên mỗi hồ (ươm, điều trị) nhưng cũng tốn điện. Nên kết hợp với bộ phận sưởi ấm trung tâm của toà nhà nhằm làm giảm điện năng tiêu thụ. Một bộ phận phát nhiệt (radiator) nối với bộ phận sưởi ấm trung tâm có thể duy trì nhiệt độ ở mức thích hợp. Sử dụng mút xốp để cách nhiệt cho hồ cá rất tốt vì nó chịu đựng được nước và hơi ẩm. Nó không bị han gỉ, mốc hay phân rã và duy trì được tất cả các đặc tính cách ly trong môi trường ẩm ướt. Cả hai tường và trần nhà nên được phủ các tấm mút xốp đặc có độ dày khoảng 20 mm (dùng loại xanh dương hay xám hiệu ROOFMATE rất tốt); chúng ta chỉ phải tốn tiền lợp một lần lúc ban đầu thôi nhưng nó giúp tiết kiệm nhiệt lượng và chi phí của phòng nuôi cá. Thông thoáng không khí tốt trong môi trường đặc biệt nóng nực cũng có thể hỗ trợ việc điều khiển nhiệt độ của phòng nuôi cá.

7. Bơm hút và bồn nước
Thứ chúng ta cần trước tiên là vòi nước nóng lạnh để châm nước và điều chỉnh nhiệt độ cho hồ cá. Chúng ta nên dùng loại vòi có cần điều chỉnh (leaver) hay tốt hơn là loại có gắn nhiệt kế (thermostatic tap). Gắn một ống cao su tưới cây vào vòi. Nếu chỉ có nước lạnh, có thể dùng một ấm đun điện nhỏ để tăng nhiệt độ nước. Một vài hồ đặc biệt có thể dùng để chứa nước sạch. Một đầu nhiệt sẽ làm nóng hồ từ từ cùng lúc chất clor trong nước máy có thời gian để bay hơi. Một bồn rửa rộng và sâu rất cần thiết cho nhiều tác vụ như cọ rửa thiết bị và vật liệu lọc, và ấp artemia. Một sàn nước để rút nước tràn. Với phòng nuôi cá nằm ở nhà kho thấp hơn mặt đường, một thùng chứa - thường dùng để hứng nước mưa - kết hợp với một máy bơm ngầm tự động có thể giúp việc thay nước trong nhà kho trở nên dễ dàng. Nước thải được trữ trong thùng này và khi mực nước vượt quá một giới hạn nào đó, bơm bắt đầu khởi động đẩy nước tới hệ thống tưới cây hay xả ra vườn.

8. Giá thành
Khi bạn lên kế hoạch xây dựng hồ cá với số lượng hồ 10, 20 hay nhiều hơn, bạn đã đạt trình độ chuyên gia tự chế (DIY =do it yourself) trong các lãnh vực thiết kế điện, xây dựng, cách ly, chiếu sáng và bơm nước; bạn có thể tiết kiệm khá nhiều tiền. Tất nhiên là bạn cần nhiều thời gian để vận hành phòng nuôi cá, nhưng bạn phải có cả núi thời gian để tự xây dựng nó. Sử dụng vật liệu trong các tiệm DIY (nhớ so sánh với tiền công thuê thợ) thay vì đặt các tiệm cá làm chắc chắn tiết kiệm hơn. Nhà sản xuất các dụng cụ liên quan đến hồ cảnh thường bán giá cao bởi vì thị trường tiêu thụ nhỏ so với các sản phẩm thông thường khác (chẳng hạn các công ty sản xuất thiết bị tàu, thuyền, cung cấp nước).

9. Các dụng cụ khác + mẹo vặt
*Chúng ta có thể gắn dụng cụ ấp artemia phía trên bồn rửa. Dùng phễu nhựa để nuôi Artemia salina, thực phẩm thích hợp nhất cho cá bột.
*Một tủ lạnh cũ (không chạy) có thể dùng để trữ thuốc và thực phẩm vì nó khô, tối và kín.
*Một dụng cụ hút nước có thể rất hữu dụng để làm khô sàn nhà sau khi thay nước.
*Có thể sử dụng tấm ngăn chia hồ thành nhiều ngăn để nuôi được nhiều cá hơn.
*Hồ ở vị trí thấp dùng làm hồ cách ly, điều trị và cho cá đẻ. Hồ ở vị trí cao dùng làm bồn chứa nước để thay nước.
*Nước dơ có thể dùng để tưới cây vì nó có lượng phân bón tự nhiên (nếu không có chứa thuốc điều trị).
*Hồ ở vị trí thấp thường lạnh hơn vì cách xa hệ thống sưởi, nên nuôi các loại cá thích hợp với môi trường hơi lạnh.
*Mỗi hồ sử dụng một vợt khác nhau để tránh làm lây nhiễm bệnh qua lại.
[​IMG]
Sơ đồ phễu nuôi Artemia: 1/sục khí, 2/nước, 3/đèn sưởi, 4/van xả.