Chia sẻ đam mê và kiến thức

Header Ads

test

Breaking

Monday, October 16, 2017

Cá cảnh chật vật bơi ra "biển lớn"

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá cảnh đạt chưa tới 15 triệu USD, cho thấy mục tiêu 40 triệu USD vào năm 2015 còn rất xa.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành cá cảnh nước ta luôn ở mức cao, bình quân tăng 20%/năm. XK cá cảnh từng được đánh giá là đầy triển vọng.

Từ năm 2008, Việt Nam đặt mục tiêu XK mặt hàng này lên 40 triệu USD vào năm 2015.


Cá cảnh Việt Nam đã có mặt tại 32 quốc gia thuộc 3 thị trường chính là Tây Âu, Bắc Mỹ và khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Chúng ta đang XK 60 loài cá cảnh nước ngọt, chiếm tỷ lệ chủ đạo (99%) trong tổng số các loài cá cảnh XK, những loại cá được khách hàng nước ngoài ưa chuộng như: cá bảy màu, cá dĩa, ông tiên, neon, hòa lan, hồng kim, moly, hắc kim, trân châu…

Đáng chú ý, loại cá dĩa và cá bảy màu, cá chép Nhật, cá vàng được tiêu thụ rất mạnh.

Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ

Từ năm 2004, UBND TP. HCM đã đưa cá cảnh vào Chương trình mục tiêu phát triển cây hoa, cá cảnh. Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện (2004-2010), chương trình chỉ mới dừng ở việc đưa ra một số hỗ trợ căn bản về vốn, kỹ thuật chăn nuôi… cho những cơ sở, cửa hàng quy mô nhỏ, chưa có những biện pháp thay đổi căn cơ, lâu dài. Thế nhưng kết quả chỉ đạt 1/8 sản lượng cá cảnh đủ tiêu chuẩn XK so với mục tiêu đề ra.

Hiện nay, những cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh ở nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên không đáp ứng được đơn đặt hàng số lượng lớn, chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tốt điều kiện về an toàn dịch bệnh; chọn và lai tạo giống mới chưa phát triển; vật tư đầu vào như dụng cụ phục vụ cho nuôi cá cảnh như hồ kiếng, máy thổi khí, đá bọt khí, máy lọc, đèn trang trí, cây cảnh giả, hòn non bộ… cho đến thuốc thú y thủy sản, thức ăn tổng hợp… chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Hầu hết các cơ sở vẫn làm ăn riêng lẻ, tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, sản xuất chủ yếu là theo kinh nghiệm, thiếu sự đầu tư (đặc biệt là về KHKT).

Trong số hàng trăm cơ sở, cửa hàng sản xuất kinh doanh cá cảnh, số cơ sở có khả năng XK với quy mô tương đối lớn và ổn định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng những công ty này hiện cũng chưa phải là đã hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Năm 2006, lễ hội sinh vật cảnh (thực chất là hội chợ cá cảnh mở rộng) được tổ chức thành công ngoài mong đợi nhưng 3 lần tổ chức sau đó ngày càng teo tóp về quy mô rồi mất hẳn. Hoạt động liên kết, tập hợp lực lượng, xúc tiến thương mại ngành cá cảnh không phát triển.

Cần chiến lược "dài hơi"

Ông Võ Văn Sanh, chủ cơ sở cá cảnh Ba Sanh – một trong 3 cơ sở đủ tiêu chuẩn XK sang EU và Mỹ cho biết, hiện Ba Sanh có diện tích nuôi cá cảnh trên 3ha. Trước năm 2006, cơ sở Ba Sanh chiếm 100% thị phần XK cá chép Nhật (cá KOI) hàng cao cấp sang Mỹ, còn loại trung bình chiếm khoảng 50%.

Nhiều cơ sở XK khác cũng thường lấy lại cá KOI và cá vàng của Ba Sanh để XK. Từ khi bị "tắc đường" XK sang thị trường Mỹ và EU, mỗi năm Ba Sanh giảm doanh thu khoảng 300.000 USD.

Mặc dù hiện nay, các doanh nghiệp ráo riết liên lạc trở lại với các đầu mối của mình bên Mỹ, EU. Nhưng thực tế vẫn chưa có doanh nghiệp nào XK trở lại được 2 thị trường trên.

Để nghề nuôi cá cảnh phát triển, đồng thời hướng đến mục tiêu XK mạnh hơn, cần phải có chiến lược dài hơi, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh nhỏ hiện tại; quy hoạch các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, hướng vào sản xuất chuyên canh tập trung và có chiều sâu. Cần có chính sách hỗ trợ làm bật dậy và phát triển nhanh lợi thế ngành cá cảnh.

Theo ông Vương Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, theo Chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011 – 2015, thành phố duy trì các khu vực sản xuất cá cảnh ở các quận nội thành và vùng ven quận 8, 9, 12, Gò Vấp.

Đồng thời, phát triển mạnh nuôi cá cảnh ở khu vực có khả năng tập trung cao như Củ Chi, Bình Chánh. Hình thành khu nghiên cứu lai tạo cá cảnh trong Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Củ Chi, xây dựng hệ thống sản xuất cá cảnh thân thiện với môi trường.

Mục tiêu đến năm 2015, sản lượng cá cảnh đạt 100 triệu con, XK 20 – 30 triệu con, kim ngạch ước đạt 30 – 40 triệu USD. Tất cả các cơ sở sản xuất cá cảnh đều được giám sát dịch bệnh, đảm bảo đủ điều kiện xuất sang Mỹ, EU.

Nguồn: THỜI BÁO KINH DOANH