Chia sẻ đam mê và kiến thức

Header Ads

test

Breaking

Monday, October 16, 2017

Thị trường cá cảnh sẽ có nhiều tỉ phú

Giới chuyên môn về cá cảnh quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong ba khu vực có cá cảnh đẹp nhất thế giới. Và đó sẽ là một thị trường sôi động và đầy tiềm năng
Xuất khẩu cá cảnh ở nước ta hiện nay đang phát triển mạnh, chiếm hơn 3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trên 100 loài cá cảnh có giá trị của thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam.

SỞ HỮU NHỮNG CHÚ CÁ ĐẸP NHẤT.- Thị trường cá cảnh TPHCM chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của cả nước. Hiện nay cá cảnh nước ta đã xuất sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, EU...

Việt Nam là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế để nuôi cá cảnh xuất khẩu. Đặc biệt nguồn nước tốt, khí hậu ấm áp và nguồn thức ăn dồi dào rất thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển các loài cá cảnh nhiệt đới. Đội ngũ nghệ nhân nước ta đông, lành nghề, khéo tay đã góp phần chăm sóc, lai tạo và sở hữu nhiều giống cá vào loại đẹp nhất thế giới. Nhiều chú cá cảnh mang thương hiệu Việt Nam đã từng đoạt giải cao trong các cuộc tranh tài quốc tế.

Trên thực tế có không ít người nước ngoài đến nước ta hợp tác làm ăn và săn lùng cá đẹp. Trao đổi với chúng tôi trong một lần cùng đoàn nghệ nhân sang Việt Nam tìm hiểu thị trường cá cảnh, ông Nerong, người mệnh danh là vua cá Thái Lan, cho biết: “Trước đây, Việt Nam là thị trường cung cấp cá bột của Thái Lan nhưng không hiểu kỹ thuật “form” - form và chăm sóc như thế nào mà hiện nay Việt Nam sở hữu nhiều loài cá đẹp, đặc biệt là giống King phát triển quá mạnh và đạt đến đỉnh cao chất lượng”. Chính vì vậy, ông Nerong thường xuyên sang săn lùng và bỏ ra vài chục ngàn USD tìm những chú cá ưng ý đưa về Thái giới thiệu.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành cá cảnh Việt Nam chưa xứng với tiềm năng hiện có. Thử so sánh với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore. Hiện kim ngạch xuất khẩu cá cảnh Thái Lan đạt 50 triệu USD/năm; Malaysia 70 triệu USD/năm và đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu lai tạo đưa đàn cá cảnh từ 500 triệu con lên 1 tỉ con, mục tiêu xuất khẩu 200 triệu con, đạt 220 triệu USD vào năm 2010. Còn với Singapore - thì khỏi phải nói, chỉ với diện tích chưa bằng 3 huyện ngoại thành TPHCM, nguồn nước ngọt ít ỏi nhưng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 400 triệu USD/năm.

THƯƠNG NHÂN NGÀNH CÁ RA ĐỜI.- Phải thừa nhận rằng những người theo và sống với nghề cá cảnh hiện nay đều xuất phát từ sự đam mê. Trong số họ không ít người phải trả giá trước lúc đi đến thành công.

Như mọi người đi tiên phong trong các lĩnh vực khác, doanh nhân ngành cá cảnh không chỉ có tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật mà còn phải tìm kiếm nguồn hàng và thị trường tiêu thụ. Câu nói “Buôn có bạn bán có phường” được họ áp dụng triệt để. Theo thông tin từ Chi hội Cá La Hán TPHCM, để tìm hiểu thị trường cá các nước, hội viên thường tự tổ chức đi theo đoàn. Chính những lần giao thương này đã trở thành kênh tiếp cận, quảng bá về cá cảnh Việt Nam hiệu quả nhất. Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch Chi hội Cá La Hán TPHCM, cho biết: “Trong chuyến thăm dò thị trường ở 3 nước khu vực Đông Nam Á của 5 anh em nghệ nhân hồi tuần trước, tôi thấy nghề nuôi cá cảnh ở các nước đã trở thành một ngành mũi nhọn, được đầu tư quy mô lớn, bài bản theo kiểu tập đoàn. Nghề này có lợi nhuận khổng lồ, nhiều tỉ phú đã xuất hiện”.

Chính lực lượng doanh nhân đam mê cá cảnh đã góp phần không nhỏ khuấy động thị trường nuôi và kinh doanh cá kiểng. Hiện nay, chỉ riêng địa bàn TPHCM đã có trên dưới 500 cửa hàng kinh doanh và có ít nhất 2 công ty cung cấp cá cảnh đang hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó TPHCM có khoảng gần 150 hộ làm nghề nuôi và sản xuất cá cảnh với số lượng khoảng 20 triệu con/năm. Doanh thu đạt 80 - 100 triệu đồng (lãi đạt khoảng 70%). Theo Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Cá cảnh Phượng Hoàng (182-184 Nguyễn Tri Phương, Q.10 - TPHCM) “Thị trường cá cảnh nước ta mặc dù còn khá non trẻ so với các nước nhưng nó đã thực sự “nóng”, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả người chơi, người kinh doanh và cả khoản ngoại tệ thu được. Khi cơ chế thông thoáng hơn và được sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước chắc chắn nghề nuôi, kinh doanh cá cảnh nước ta sẽ đuổi kịp, thậm chí vượt qua các nước trong khu vực, vì chúng ta có tiềm năng và lợi thế hơn hẳn”.

PHONG TRÀO ĐANG LÊN.- Cũng theo Công ty Phượng Hoàng, hiện nay do nhu cầu thị trường quá lớn mà nguồn hàng trong nước không đủ cung cấp nên những người kinh doanh phải nhập cá từ các nước về để bán lại. Hoặc nhập cá bột về “form” rồi mới bán ra thị trường và xuất đi các nước khác. Các loại cá xuất khẩu, được thị trường ưa chuộng là cá bảy màu, cá dĩa nhưng thực ra giá thành không cao lắm. Đặc biệt hiện nay những giống cá được săn lùng và không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới là La Hán, King, cá rồng, cá đuối. Tuy nhiên các doanh nhân cá cảnh nước ta chỉ mới tiếp cận thị trường thế giới theo kiểu nhỏ lẻ.

Chỉ tính riêng thị trường cá cảnh trong nước, nguồn cung cấp cá cũng không đủ khi nhu cầu người chơi, người nuôi ngày càng nhiều, khắp các tỉnh, thành.

Anh Huỳnh Minh Huy, kinh doanh gỗ ở ấp Quyết Thắng, Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương, một người mê cá và may mắn sở hữu được chú King kamfa, cho biết: “Tôi mê cá và nuôi nhằm thỏa mãn thú vui của mình. Trong một dịp tình cờ lên thành phố, tôi lần đến cửa hàng cá Phượng Hoàng La Hán và “chấm” được một con. Không ngờ chỉ sau 9 tháng, có người ở TPHCM biết được đã tìm lên tận nhà và trả 7.000 USD nhưng tôi không bán vì từ ngày sở hữu chú cá công việc làm ăn luôn thuận lợi”.

Cá cảnh không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí tao nhã của người chơi mà góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nó thực sự là một nghề đầy tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Long hổ tranh hùng”

Đặc biệt trong giới mê cá cảnh cao cấp đang dấy lên phong trào sưu tập đủ bộ “Long hổ tranh hùng” (gồm cá đuối - tầng dưới, cá Thái Hổ - tầng giữa và cá rồng - tầng trên). Họ coi bộ sưu tập này là “đẳng cấp”, biểu hiện của sự giàu sang, phú quý và quyền lực. Chính vì lẽ đó, giá cá rồng giống hiện nay cao ngất ngưởng (đơn cử như Huyết Long, Quả Bôi giá giống đã từ 700 - 1.000 USD/con), Thái Hổ khoảng 100 USD/con, cá đuối (thuần hóa nuôi ở môi trường nước ngọt) khoảng vài chục triệu đồng/con.Trong khi đó, giống cá rồng lại không lai tạo được, chỉ sinh sản hoàn toàn tự nhiên.