Xuất khẩu cá cảnh ngày càng khó khăn do vướng hàng rào kỹ thuật trong khi nhu cầu ở thị trường nội địa lại đang rộng mở . Theo thống kê, năm 2015, TP HCM, nơi ngành cá cảnh phát triển nhất cả nước, xuất khẩu mặt hàng này được khoảng 11 triệu USD, tăng mạnh so với mức 7 triệu USD năm 2011. Những loại có thế mạnh như: cá neon, cá xiêm, hắc kim, trân châu, bảy màu, tai tượng, cá dĩa…
Thế giới có gì, Việt Nam có đó
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá tình hình xuất khẩu cá cảnh ngày càng khó khăn do phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật (tỉ lệ xuất khẩu chiếm từ 10%-15% sản xuất, còn lại bán trong nước). Nhất là 2 thị trường chính châu Âu và Mỹ đòi hỏi phải có chứng nhận an toàn dịch bệnh, để có chứng nhận này cho mỗi loài cá, các trại thường phải mất 2 năm. Trong khi đó, phần lớn cơ sở sản xuất cá cảnh của TP còn nhỏ lẻ, manh mún rất khó đáp ứng yêu cầu. Do vậy, nhiều trại cá đã tập trung khai thác thị trường nội địa do nhận thấy nhu cầu chơi cá cảnh của khách hàng trong nước gia tăng từng ngày.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hầu hết các loài cá cảnh nuôi phổ biến trên thế giới đều đã có ở Việt Nam với tổng số hơn 120 loài. Nguyên nhân theo đánh giá của Hội Nghề cá Việt Nam là do nước ta có tiềm năng lớn cho phát triển cá cảnh do nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú. Đặc biệt, TP HCM do điều kiện tự nhiên thuận lợi, có thể nuôi quanh năm, giá thành thấp và tập trung đông nghệ nhân có kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh cá cảnh. Đây cũng là nơi tiêu thụ cá cảnh lớn ở mọi phân khúc từ bình dân đến trung bình, cao cấp.
Theo ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi, TP HCM), thị trường TP HCM gần đây rất chuộng tép cảnh. Trong khi thủ tục xin nhập khẩu chính ngạch khó khăn thì dân buôn tìm cách nhập lậu, đẩy giá bán lên đến 2.000 USD/con. Khảo sát báo giá tại một số cửa hàng kinh doanh cá cảnh, có những con tép màu đỏ, kích thước chỉ 1,6-1,8 cm nhập từ Đài Loan được chào giá “khủng” nhất đến 52 triệu đồng.
Ông Tống Hữu Châu (chủ trại cá Châu Tống, quận 12, TP HCM), người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá cảnh, cho biết trước đây, nhiều người, kể cả ông vẫn nghĩ cá cảnh chỉ dành cho người giàu nhưng thực tế những năm gần đây, thị trường bình dân phát triển rất mạnh. “Tôi quan sát thấy trong phòng trọ của nhiều công nhân, lao động nghèo vẫn thích có một chậu cá cảnh nhỏ để thư giãn và số lượng khách hàng này thì rất đông” - ông Châu nói.
Ngoài ra, theo ông Châu, với mỗi loài cá cảnh, khi nào thị trường đi đầu là TP HCM chững lại, khó bán thì phong trào nuôi tại các tỉnh mới nổi lên, quan trọng là các trại cá làm ra hàng chất lượng thì không lo thiếu chỗ tiêu thụ.
Tăng hậu mãi
Ông Trần Văn Phú, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam, lưu ý nhiều người nuôi cá cảnh ngoài việc để trang trí còn có chức năng về phong thủy. Do đó, cá cảnh bị chết thường khiến chủ nhà muộn phiền vì cho rằng đó là điềm báo cho những sự xui xẻo trong làm ăn hoặc trong đời sống. Trong khi cá chết có thể do những nguyên nhân như nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn không đạt hay cá bệnh đều có thể khắc phục bằng việc tổ chức tốt dịch vụ hậu mãi. “Các cơ sở kinh doanh cá cảnh cần tổ chức đội ngũ nhân viên có kỹ thuật định kỳ ghé thăm cá, giúp chủ nhà thay nước, làm sạch bể, đưa cá yếu về chữa bệnh hoặc thay bằng con khỏe để tránh chuyện cá chết cho khách hàng” - ông Phú khuyến cáo.
Bà Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, đánh giá nghề nuôi cá cảnh của TP đang có nhiều tiềm năng phát triển do phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị. Nhằm tạo ra những giống cá cảnh độc, lạ, trung tâm đã áp dụng công nghệ chuyển gien để tạo ra cá cảnh có màu sắc đẹp chưa có trong tự nhiên và khả năng phát sáng độc đáo.
Bước đầu, sau hơn 2 năm nghiên cứu, trung tâm đã tạo được cá sóc mang gien phát huỳnh quang màu lục lam và màu đỏ, cá thần tiên mang gien phát huỳnh quang màu đỏ làm tiền đề thương mại hóa. Trên thế giới, những giống cá cảnh mới từ công nghệ chuyển gien thường có giá cao hơn từ 5-10 lần so với cá truyền thống.
NGỌC ÁNH