Chia sẻ đam mê và kiến thức

Header Ads

test

Breaking

Monday, October 16, 2017

Cá cảnh: triển vọng và nguy cơ

(TBKTSG) - Theo nhiều người nuôi cá cảnh tại TPHCM, gần như con cá nào ngoài tự nhiên cũng được nuôi làm cá cảnh! Chính sự dễ dãi trong việc nuôi cá cảnh khiến Việt Nam gặp những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học.

Số người nuôi cá cảnh ngày càng tăng

Theo một nghiên cứu về thị trường cá cảnh của trường Đại học Nông lâm TPHCM, trong số 40 cửa hàng cá cảnh trên địa bàn thành phố có thời gian kinh doanh trên 10 năm, có gần 73% là bán lẻ; còn lại là vừa bán lẻ và bán sỉ và thường là những cửa hàng lớn, bán sỉ cho những người bán dạo trong từng con phố. Những cửa hàng, ngoài bán cá cảnh còn bán thức ăn (tự nhiên và công nghiệp) cho cá cũng như những sản phẩm như thủy sinh, đá, máy lọc nước... Ngoài ra, các cửa hàng này cũng tư vấn kỹ thuật miễn phí cho người nuôi cá về cách chăm sóc cá, thiết kế, trang trí, bảo dưỡng hồ cá như một cách cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng.

Cũng theo khảo sát nêu trên, cứ 4 người đến mua cá cảnh tại các cửa hàng thì có 1 người là người mới nuôi cá cảnh lần đầu. Điều này cho thấy số người nuôi cá cảnh ngày càng tăng, cũng là tín hiệu vui cho ngành sản xuất và kinh doanh cá cảnh ở TPHCM.

Theo ghi nhận của Đại học Nông lâm TPHCM, trên thị trường thành phố hiện có khoảng 75 loài cá cảnh khác nhau, gồm cả cá cảnh nội địa và cá nhập khẩu (nuôi và khai thác ngoài tự nhiên). Ông Tống Châu, một trong những nghệ nhân nuôi cá cảnh tại TPHCM, cho biết gần như loài cá nào cũng có thể được nuôi làm cá cảnh!

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2016, ngành cá cảnh của thành phố sản xuất được 87 triệu con các loại, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong 10 tháng qua là gần 13 triệu con, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.

Mới đây, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã giới thiệu một loại cá cảnh phát sáng. Đây là cá chuyển gen và có thể phát sáng màu tím và màu đỏ khi nhìn dưới đèn neon. Giống cá cảnh phát sáng này được trung tâm kỳ vọng sẽ tạo một làn sóng nuôi cá mới trên thị trường vốn ưa thích những sản phẩm mới bên cạnh những loài cá cũ như cá bảy màu, cá dĩa....

Cá cảnh cũng như thời trang

Thị hiếu của người nuôi cá cảnh không khác mấy so với thị hiếu đối với thời trang thay đổi theo mùa. Cách đây khoảng 10 năm, cả nước gần như bị lên cơn sốt về cá la hán, có thời điểm một con cá la hán được đánh giá hoàn hảo về màu sắc có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí có lúc, có con được bán với giá 200 triệu đồng! Tuy nhiên sau đó, cơn sốt này lắng xuống, người nuôi bắt đầu chuyển sang yêu thích cá koi Nhật Bản. Có doanh nghiệp được lập ra chỉ để nhập cá koi. Tiếp đến lại là “thời trang” cá tai tượng. Vài năm trở lại đây, người nuôi cá cảnh bắt đầu chuyển sang nuôi những loài sinh vật nhỏ như cá thủy sinh, tép cảnh hay những loài chỉ lớn hơn cái... tăm tre.

Theo một số chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, nhiều người nuôi cá cảnh còn thích nuôi những loài không chỉ đẹp mà còn phải độc, lạ, như cá phổi châu Phi, cá bong bóng vàng, cá axolotl (còn gọi là cá khủng long 6 sừng) có nguồn gốc từ Mexico. Thậm chí, có người nuôi cá piranha (còn được biết với tên gọi cá hổ, cá răng) - một loài cá ăn thịt có nguồn gốc từ sông Amazon, Brazil.

Những hệ lụy kèm theo

Chính vì thị hiếu đa dạng, chỉ cần có người thích nuôi loài cá nào thì các cơ sở sẵn sàng nhập về để bán. Hiện thuế nhập khẩu các loài cá cảnh là 20% - mức thuế không quá cao đối với “dân chơi” nhưng chính điều này làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, đe dọa môi trường sống của nhiều loài cá trong nước.

Theo quan điểm của các nhà sinh học, việc nhập khẩu nhiều loại cá cảnh ngoại gây xâm hại môi trường. Câu chuyện điển hình là về cá tỳ bà (cá lau kiếng), loài cá có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Nhiều người nuôi cá lau kiếng trong bể cá, nó có nhiệm vụ làm sạch các loại rong rêu, chất nhớt bám trong đáy và thành bể cá. Tuy nhiên, vì một vài lý do, người nuôi không muốn tiếp tục nuôi nữa nên thả cá trở lại sông, và “vấn đề” bắt đầu xuất hiện.

Đến nay, cá lau kiếng đã xuất hiện nhiều trên các con sông ở ĐBSCL, nhiều đến mức ở Cần Thơ, người dân chế biến thành món khô cá lau kiếng để bán ra thị trường bên cạnh những sản phẩm như khô cá lóc, khô cá sặc.

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, những loài cá ngoại lai xâm hại không chỉ có cá lau kiếng mà còn có tôm càng đỏ, cá rô phi đen, cá trê phi, cá ăn muỗi, cá hổ... Đây những loài cá ban đầu được nhập về nuôi làm cảnh trước khi được thả ra môi trường tự nhiên.

Liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong thời gian tới, tại ĐBSCL xuất hiện loài cá ăn thịt, như cá hổ, và chúng phát triển nhanh?

Nên chăng, cơ quan quản lý cần điều chỉnh những quy định về nhập khẩu cá cảnh để tránh lặp lại câu chuyện của ốc bươu vàng hay cá lau kiếng đang gây ra những tác hại khôn lường trong suốt những năm qua.